Dưới đây là kinh nghiệm của mình, đã áp dụng và tương đối thành công, mình được tăng hơn 10M trong vòng 2 năm, không quá ghê gớm nhưng đủ để cho mình cảm thấy hạnh phúc với công việc.
Lưu ý: đây không phải bài hướng dẫn các bạn làm ít mà đòi tăng lương cao. Đây là bài hướng dẫn các bạn làm thật và thể hiện được cái bạn đang có và đã làm được với Manager để họ ghi nhận, đánh giá đúng.
Nội dung bài viết
I. Một vài câu hỏi trắc nghiệm vui
1.Bạn muốn tăng lương?
- Nếu không, thôi dừng tại đây. Hẹn gặp bạn ở bài khác, ví dụ “rich kid làm tester” chẳng hạn. :v
- Nếu có, đọc tiếp.
2. Thế bạn có biết mức trần cho vị trí tester bạn trong công ty là bao nhiêu?
- Nếu có, OK, vậy là bạn đã biết là bạn sẽ gắn bó thêm với công ty hay nhảy công ty khác rồi đấy.
- Bạn không biết, haizzz, đọc bản tin tuyển dụng tester mới nhất của công ty bạn đi, nếu không có mức lương trên tin tuyển dụng thì hỏi HR.
3. Bạn có biết bạn đang ở level nào ko, theo đánh giá của công ty?
- Nếu có, OK, chuyển câu tiếp
- Nếu không, cần ngồi nói chuyện 5-10p với Manager của bạn ngay và luôn thôi. Nói là em muốn phát triển bản thân nhưng không rõ level hiện tại của em theo công ty đánh giá là gì.
4. Công ty bạn có bản đánh giá, xếp loại level tester không? kiểu junior thì cần có skill gì, senior thì cần gì…
- Nếu có, thật sự là may mắn cho bạn
- Nếu không, bạn nên hỏi Manager về cái đó ngay và luôn. Và nếu công ty bạn quá nhỏ, không có những thứ đó thì vẫn có cách để tìm kiếm cơ hội nâng lương của bạn.
II. Làm gì để tăng lương khi review trong công ty
Cái này áp dụng cho mùa review hàng năm, không bao gồm các năm mất mùa như năm Covid thứ nhất. Mỗi công ty sẽ có nhiều cách tính chỉ số KPI để xác định xem chúng ta đã làm việc như thế nào trong 1 khoảng thời gian. Nhưng dưới góc độ nhân viên, mình cố gắng để cho Manager thấy:
- Mình đã làm việc chăm chỉ
- Mình đã có sự tiến bộ về chuyên môn
Theo bản thân mình, làm việc chăm chỉ bao gồm 1 số thứ sau đây:
- Hoàn thành các task được giao
- Chủ động nhận task, quản lý được các task của mình (còn bn task nữa, có kịp deadline không, task nào đang chậm…)
- Đừng sợ các task khó hay task mất thời gian dạng “nhặt thóc” hay “tay to”. Mỗi lần làm những task như vậy sẽ là chỗ cho bạn nghĩ ra idea nào đó để cải thiện. Đây chính là chỗ thể hiện đầu óc của bạn với PM của dự án và ghi điểm. Hoặc bạn sẽ tìm tòi và học được 1 số cách để cải thiện tốc độ khi “nhặt thóc“.
- Và cố gắng đi làm đúng giờ, đầy đủ chút (ý là tác phong nghiêm chỉnh).
Còn tiến bộ về mặt chuyên môn thể hiện ở chỗ:
- Bạn hiểu được vấn đề mà team đang nói trong mỗi buổi họp. Đừng nghĩ rằng đó là việc của dev, không cần quan tâm. Hãy quan tâm và cố gắng hiểu vấn đề, thi thoảng đóng góp được 1-2 ý thì tốt, chưa đóng góp được thì không sao. Vì sao, vì sau đó khi những người trong team nói chuyện mà có nhắc đến bạn, họ sẽ nói là bạn là người có kiến thức vững. Và rất dễ những lời nói đó bay đến tai HR Manager, PM hay Manager của bạn. Đó là lý do vì sao trong bài hanh-trinh-1-tester-trai-nganh mình lại nói là các bạn cần nâng cao kiến thức nói chung. Ngoài ra, việc hiểu vấn đề giúp ích cho các bạn rất nhiều trong việc tư duy xem test cái gì và như thế nào.
- Đối chiếu vào “đánh giá, xếp loại level tester” của công ty bạn mà tự đề ra việc học thêm skill và phát triển bản thân. Có thể chia sẻ với Manager để họ biết được bạn đang làm gì và làm thế nào. Tương lai, họ sẽ cân nhắc chuyển thêm những task mới cần đến những skills mà bạn định học. Đừng sợ task mới, task mới có nghĩa là đang được trọng dụng, sẽ dễ tăng lương.
- Hãy học thêm ngoại ngữ, hãy học thêm ngoại ngữ, hãy học thêm ngoại ngữ. Vì sao? vì ngoại ngữ và đặc biệt là tiếng anh là thứ vô cùng cần thiết để bạn tiếp cận tri thức mới, cũng là thứ để bạn điền vào CV (có chứng chỉ, chứ không chém gió) để mở rộng cơ hội việc làm của bạn nếu nhảy việc. Manager cũng rất vui nếu bạn có level ngoại ngữ tốt. Đó cũng được coi là thứ quan trọng để so sánh bạn với tester khác.
Ngoài ra, việc được tăng lương sẽ còn phụ thuộc vào dự án bạn làm, PM của bạn là ai, cần thời gian dài để có thể nhìn thấy sự thay đổi tích cực đến từ bạn. Tuy nhiên, nếu sau 1 thời gian khoảng 1 năm mà bạn đã làm tốt những thứ trên mà chưa được ghi nhận (chưa nói đến tăng lương) thì bạn nên sớm tìm bến đỗ mới.
III. Làm gì để tăng lương khi nhảy việc
Để nhảy việc tăng lương tốt thì bạn có phải có kế hoạch nhảy việc, chứ không phải chán quá thì nhảy. Thế nào là kế hoạch nhảy việc? Dưới đây là 1 kế hoạch sơ bộ
Bước 1: Tìm hiểu
- Hãy tìm hiểu về các công ty mà bạn muốn chuyển sang, to hay nhỏ, có nhiều phốt không, làm về cái gì, mức độ tăng trưởng, vị trí địa lý…
- Tìm hiểu công việc: range lương của họ thế nào, có đáp ứng được nhu cầu của mình không, và họ đang cần vị trí gì? Tập hợp nhiều tin tuyển dụng lại, bạn sẽ có danh sách những thứ bạn phải học trước khi bạn nhảy việc.
- Tạo profile Linkedin nếu bạn chưa có.
- Tăng tương tác trên Linkedin nếu bạn đã có account rồi.
Bước 2: Trau dồi kiến thức
- Cái gì biết rồi thì ôn lại
- Cái gì chưa biết thì học thêm
- Hết
Bước 3: Chuẩn bị CV
- Viết CV dài 1-2 trang thôi. CV dài không ai đọc đâu.
- Sửa CV để phù hợp với từng công ty nếu bạn có quá nhiều thứ để ghi. Nếu không có gì, viết tất cả những gì bạn có. Nếu vẫn không đủ 1 trang CV thì cố gắng học vội mấy course online để ghi vào, như 1 hình thức ghi nhận mình đã biết đến cái gì đó (không recommend).
Bước 4: Phỏng vấn
- Level của bạn sẽ được người phỏng vấn đánh giá lại, không phụ thuộc vào level của bạn ở công ty cũ nên trình độ của bạn sẽ được phơi bày ra. Bạn không biết SQL mà bạn viết trong CV là biết SQL thì có thể bạn sẽ làm 1-2 câu hỏi về cái đó, lúc đó thì chỉ cần 1-2 câu là bạn sẽ bị đánh giá thấp đấy.
- Chuẩn bị trước tất cả các câu hỏi cho từng mục trên CV. Bạn đi làm bao nhiêu lâu rồi, đã trải qua những dự án gì, đã làm các loại test như performance, auto ở các mức độ nông sâu hay chưa. Đại ý, CV bạn có cái gì thì bạn phải chuẩn bị trước các thông tin để trình bày về cái đó. Có bạn liệt kê 1 đống thứ, nhưng rồi hỏi cái gì cũng tậm tịt.
- Phải chuẩn bị được câu chuyện dẫn dắt thật hợp lý (dành cho các bạn trái ngành). Vì sao lại làm tester? Họ muốn biết câu chuyện của bạn nên bạn phải nghĩ trước cái đó đi.
- Vì sao bạn chuyển việc? cũng là 1 trong những câu hỏi mà thường xuất hiện. Bạn phải nghĩ trước đi.
- Và 1 thứ vô cùng quan trọng nữa, các công ty họ muốn biết mức lương của bạn ở công ty cũ để offer mức lương mới. Nếu mức lương ở công ty cũ quá thấp thì nhảy việc cũng không đem lại mức lương tốt hơn bao nhiêu. (Không tính công ty nhiều tiền, phá giá thị trường, hoặc các vị trí kiểu Test Manager. Mình là nhân viên nên không trải nghiệm gì mà viết cho các bạn cả)
IV. Tổng kết
Đó là tất cả những gì mình muốn nói về tăng lương và nhảy việc. Với mình những cái trên không phải mánh khóe gì cả, đó hoàn toàn dựa vào nỗ lực, công sức. Bạn làm tốt và bạn xứng đáng được mức lương tốt hơn. Hi vọng những điều trên có ích cho bạn, chúc các bạn sớm được tăng lương. 😀